Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi năm tỉnh này có khoảng 17 học sinh chết đuối, chủ yếu tập trung ở 2 cấp học là tiểu học và THCS. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch dạy bơi cho 10.000 học sinh mỗi năm.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 10/2016, học sinh biết bơi ở tỉnh Khánh Hòa có tỷ lệ khá thấp. Cụ thể, cấp tiểu học có hơn 12.000 em biết bơi trong số hơn 96.000 học sinh (gần 13%); cấp THCS có hơn 16.000 em biết bơi trong số 75.000 học sinh (gần 22%).
Theo dự thảo đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020” thì trong năm 2017 sẽ phấn đấu tổ chức dạy bơi được cho 9.000 em ở 2 cấp tiểu học và THCS.
Đề án có mục tiêu mỗi năm phấn đấu tăng khoảng 4.000- 5.000 em/cấp học biết bơi. Đến năm 2020 có 60% học sinh ở cấp tiểu học và 75% ở cấp THCS thuần thục bơi lội.
Theo ông Nguyễn Duy Bắc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, công tác dạy bơi cho học sinh tiểu học, THCS là điều rất cần thiết, cấp bách. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã có chính sách miễn thuế 5 năm đầu, áp dụng thuế 10% cho các năm tiếp theo để khuyến khích các cá nhân tổ chức đầu tư xây dựng hồ bơi, dạy bơi.
Do đó, trong đó trong năm học 2017- 2018, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải xây dựng thí điểm 2-3 hồ bơi trong nhà trường. Về kinh phí, tỉnh và địa phương sẽ đóng góp chủ yếu, xã hội hóa khâu quản lý, điều hành hồ bơi.
Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, vài năm gần đây, càng phát động mạnh phong trào phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước thì học sinh chết đuối càng tăng. Lý do có thể là các em tập bơi mà không có chỗ để bơi. Do đó, cần phải xây hồ bơi trong trường học để đào tạo cho các em kỹ năng bơi lội.
Theo Dantri