Dạy bơi đại trà cho học sinh tại Khánh Hòa

Trong ngày 20-4, UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng các sở, ngành liên quan đã họp bàn kế hoạch dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh (HS) tiểu học và THCS.

Tại cuộc họp, Sở GD-ĐT trình bày dự thảo đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020”. Trong đó, nhấn mạnh tính bức thiết của đề án trước tình hình HS chết đuối hiện nay. Tại Khánh Hòa, trung bình mỗi năm có 17 HS chết đuối, mất cả nửa lớp học. Nhiều trường hợp chết đuối thương tâm. Ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho rằng những năm qua, càng phát động mạnh phong trào phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước thì các HS càng chết nhiều. Lý do là các em tập bơi mà không có chỗ để bơi. Do đó, cần thiết phải xây hồ bơi ngay tại trường để HS có cơ hội học bơi bài bản.

Hiện tỉnh Khánh Hòa chưa có trường học nào có hồ bơi. Ông Trần Nguyên Lập, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Nha Trang, cho biết Nha Trang là địa phương có điều kiện nhất với 6 hồ bơi của tư nhân nhưng không trường học nào có hồ bơi nên tỉ lệ HS được học bơi không cao. Đại diện UBND huyện Cam Lâm cũng nêu thực trạng cả huyện không có hồ bơi nên phụ huynh phải chở con qua TP Cam Ranh học.

Học sinh TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tập bơi trên biển khi trường không có hồ bơi
Học sinh TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tập bơi trên biển khi trường không có hồ bơi

Tính đến tháng 10-2016, tỉ lệ HS biết bơi ở tỉnh Khánh Hòa rất thấp. Cấp tiểu học chỉ có gần 13%, trong khi cấp THCS gần 22% HS biết bơi.

Theo dự thảo đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020”, mục tiêu trong năm 2017 sẽ dạy bơi được cho 9.000 em ở 2 cấp tiểu học và THCS; mỗi năm phấn đấu tăng số lượng thêm 4.000-5.000 em/cấp học; đến năm 2020, 60% HS cấp tiểu học và 75% cấp THCS biết bơi.

Để đạt được mục tiêu này, sở đề nghị xây hồ bơi tại trường học với kinh phí trên 24,5 tỉ đồng. Kinh phí này nếu xây hồ cố định sẽ được 16 hồ, còn di động sẽ được 56 hồ. Ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng kinh phí xây dựng hồ có thể xã hội hóa. Riêng 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đề nghị nhà nước đầu tư 100% vốn ngân sách.

Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu trong năm học 2017-2018, tất cả 8 huyện, TP, thị xã đều phải xây dựng thí điểm 2-3 hồ bơi trong nhà trường. Về kinh phí, tỉnh và địa phương sẽ đóng góp chủ yếu, xã hội hóa khâu quản lý, điều hành hồ bơi.

Khanhhoa