Phòng tránh chuột rút khi cho trẻ bơi        

Chuột rút hay còn gọi là co cơ là hiện tượng thường gặp phải trong quá trình bơi lội không chỉ ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng không tránh khỏi. Hiểu thế nào là chuột rút và cách phòng tránh chuột rút khi cho trẻ đi bơi thế nào để giảm thiểu tai nạn xảy ra nhất là điều bố mẹ cần quan tâm.

Chuột rút do nguyên nhân gì?

Chuột rút do hai nguyên nhân chính gây nên là do thiếu ôxy cho cơ bắp hoặc cơ thể thiếu nước và muối ăn. Từ những tai nạn chuột rút, thường thấy các rối loạn điện giải có thể gây ra chuột rút, đặc biệt là giảm lượng canxi máu hoặc giảm lượng kali máu khi ra mồ hôi quá nhiều mà không được bù đắp.

Phòng tránh khi bơi
Phòng tránh khi bơi

Trong khi bơi, có thể cơ thể trẻ không cung cấp đủ oxy do trẻ ít lấy hơi hoặc nín thở quá lâu. Hơn nữa, trẻ bơi lâu, không đủ sức khỏe nhưng vẫn vui đùa cùng bạn, không muốn lên bờ khiến cơ thể đói.

Làm thế nào để phòng tránh chuột rút cho trẻ

Để giảm thiểu tối đa tình trang chuột rút khi trẻ đi bơi, phải thực hiên từ khâu chuẩn bị xuống nước đến khi trẻ rời bể bơi và lên bờ.

Khởi động kỹ càng

Dành 30 phút để khởi động cơ thể theo thứ tự như tập thể dục buổi sáng. Làm các động tác nhằm khởi động cơ bắp và các khớp cho trẻ. Có thể chạy cự ly ngắn (100 m) với tốc độ chậm – nhanh dần – chậm dần và sau đó trở về trạng thái cân bằng.

Tiếp theo khởi động khớp các đốt sống cổ, thắt lưng, khớp hông (háng), các khớp gối, cổ chân, ngón bàn chân, các khớp vai, khuỷu, cổ tay, các ngón tay. Thực hiện vận động vặn xoay vòng các khớp theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.

Trong khi bơi cần lưu ý

Khi tiếp xúc với môi trường nước, cơ thể trẻ sẽ diễn ra 3 phản ứng theo trình tự từ ức chế – thích nghi – hồi phục. Với giai đoạn đầu, khi trẻ mới xuống nước, cơ thể sẽ phải thay từ môi trường trên cạn xuống môi trường nước, vì thế nhịp tim đập nhanh hơn, hơi thở mạnh hơn.

Quá trình thích nghi sẽ là thời gian tiêu hao năng lượng nhiều nhất vì thời gian bơi kéo dài khoảng 1-3 giờ tùy theo sức khỏe và sự rèn luyện của mỗi trẻ. Lúc này, cơ thể trẻ đã bắt đầu thích nghi với môi trường nước, các biểu hiện ức chế dần dần hết; nhịp tim, mạch, nhịp thở và huyết áp ổn định và trở về trạng thái ban đầu. Trẻ chỉ cần giữ được sự ổn định trong khi bơi, không gò ép bản thân quá mức và tránh vùng xoáy nước, vùng chảy xiết sẽ có thể tránh được những nguy hiểm của chuột rút.

Nếu thấy dấu hiệu cơ thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, các động tác phối hợp không được nhịp nhàng như bình thường, cần phải lên bờ và nghỉ sức. Trẻ không nên cố bơi tiếp và người huấn luyện cũng không ép trẻ bơi thêm thời gian. Để trẻ thả lỏng cơ thể khoảng 3 – 5 phút trong tư tế nổi và đưa lên bờ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu lạnh cần pha trà đường nóng cho trẻ và lau khô cơ thể trẻ.