Bơi lội là một hoạt động thu hút nhiều người, nhất là trong những ngày thời tiết nắng nóng. Điều cần lưu ý là môi trường hồ bơi cũng có thể là ổ lây nhiễm những bệnh da liễu.
Do đó, mọi người cần biết cách tự bảo vệ mình, phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm bệnh để đi khám và điều trị kịp thời.
Bệnh do siêu vi khuẩn
Tại phòng khám Chăm sóc da, BV Đại học Y Dược TPHCM, khoảng một tháng trở lại đây, có rất nhiều trường hợp đến khám do nhiễm bệnh sau khi đi bơi.
Một bé trai bảy tuổi tên N.B.N. ngụ tại Q.Tân Bình, TPHCM được mẹ đưa đến khám vì trên da bỗng nổi những nốt gồ lên, đỉnh của những nốt này có vết lõm xuống và lan dần ra như mụn cóc. Mẹ bệnh nhi cho biết, do trời quá nóng bức nên dạo gần đây, con mình hay đi bơi.
Theo TS.BS Lê Thái Vân Thanh – công tác tại phòng khám trên, đồng thời là giảng viên bộ môn da liễu, Trường Đại học Y Dược TPHCM – bệnh nhi đã bị lây nhiễm một loại siêu vi khuẩn nghi từ môi trường nước hồ bơi.
Các nốt trên da của bé có tên gọi là u mềm lây. Những trường hợp bị u mềm lây sau khi tắm hồ bơi đi khám có chiều hướng gia tăng vào những ngày nắng nóng. Mỗi tuần, BS Vân Thanh gặp từ 5-7 trường hợp như vậy.
Phong tranh lay nhiem benh da lieu tu ho boi
Cẩn thận với nguy cơ nhiễm bệnh từ hồ bơi
“U mềm lây như mụn cóc, chỉ có thể giải quyết bằng cách nạo đi các thương tổn, chấm axít hoặc đốt laser. Trẻ em từ 6-8 tuổi dễ bị nhiễm bệnh này nhất, do các bé bắt đầu được cho đi học bơi nhưng hệ miễn dịch trên da chưa đủ trưởng thành” – BS Thanh phân tích.
Bệnh do vi nấm
Liên quan tới bệnh lý về da từ hồ bơi, phải kể tới nhóm bệnh do vi nấm. Theo BS Vân Thanh, gần đây, bệnh nhân tới khám do nhiễm vi nấm nông ngoài da rất nhiều. Một trong những môi trường lây nhiễm vi nấm lý tưởng chính là nước hồ bơi không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Chỉ trong một buổi sáng, BS Vân Thanh tiếp nhận khoảng năm trường hợp nhiễm vi nấm. Bệnh lý do nấm thường gặp ở người đi bơi là hắc lào, nấm móng, nấm tóc.
Sau khi nhiễm các vi nấm kể trên từ 5-7 ngày, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, viêm loét tại các vị trí thương tổn. Bệnh do vi nấm dễ lây, ảnh hưởng tới chất lượng sống và thẩm mỹ, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được điều trị dứt điểm.
Phong tranh lay nhiem benh da lieu tu ho boi
Nhiễm u mềm lây sau khi đi bơi
Rối loạn sắc tố do tia UV
BS Vân Thanh còn cảnh báo một tác hại khác từ việc đi tắm hồ bơi mà không phải ai cũng biết. Đa số hồ bơi ở ngoài trời, lúc nào cũng bị ánh nắng chiếu trực tiếp. Nhiều người than phiền tại sao đi bơi buổi chiều tối, da vẫn bị đen.
Đó chính là biểu hiện bị rối loạn sắc tố dưới da do ảnh hưởng từ tia UV. Ánh nắng khúc xạ xuống mặt nước, nên dù đi bơi lúc không có nắng, mọi người vẫn cần bôi kem chống nắng (loại kháng nước). Khi lựa đồ bơi, nên chọn màu tối, sẽ có tác dụng bảo vệ da tốt hơn đồ bơi sáng màu.
Viêm da tiếp xúc dị ứng do chất sát khuẩn
Ngoài ra, người hay đi bơi còn dễ bị khô và bong tróc da do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất clo. Lẽ ra, các hồ bơi phải bảo đảm tiêu chuẩn về hàm lượng clo, nhưng vẫn có những hồ bơi nhỏ, nằm trong các khu dân cư không bảo đảm điều này.
Ở những hồ này, nước không được lọc và luân chuyển, chất sát khuẩn trong nước gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Những ai sau khi đi bơi thấy da nổi mẩn ngứa thì nên đổi hồ bơi khác, bởi đó là dấu hiệu cho thấy da không dung nạp với những hóa chất có trong hồ bơi.
Để phòng tránh lây nhiễm bệnh da liễu từ hồ bơi, ngoài việc lựa chọn các hồ bơi lớn, đạt chuẩn, tự bảo vệ mình bằng cách bôi kem chống nắng, trang bị đồ phù hợp, BS Vân Thanh lưu ý, người dân cần có ý thức tự bảo vệ mình cả trong lúc ở phòng tắm sau khi bơi: “Nhiều người có thói quen cởi bộ đồ tắm ra là vứt luôn xuống sàn nhà tắm công cộng. Đây chính là nguyên nhân rước bệnh do sàn nhà tắm không đảm bảo vệ sinh”.
Theo Thanh Huyền – Phụ nữ TPHCM